Nếu Chiếc Hộp Mong Muốn chứa đựng những khao khát của bạn thì Chiếc Hộp Thực Tế lại bao hàm những gì thuộc tầm với của bạn, trong giới hạn khả năng bạn có thể đạt được.

Trong khi khai mở Chiếc Hộp Mong Muốn, có thể thấy đôi lúc các khao khát không hoàn toàn dựa trên những gì chúng ta thực sự muốn, đôi khi nó chỉ dựa trên những gì ta tưởng rằng ta muốn thôi.

Chiếc Hộp Thực Tế hiện tại thì cũng tương tự vậy thôi. Nó không cho bạn thấy toàn bộ thực tế đang diễn ra, mà lại mô tả những kẽ hở mà bộ não bạn vẽ ra và cho đó là thực tế. Đó là nhận thức của bạn về thực tế, chứ thực tế không hoàn toàn là như vậy.

Mục đích của toàn bộ quá trình nhìn lại, đánh giá, xem xét bản thân này là để mỗi người chúng ta có hai chiếc hộp trung thực và chính xác nhất có thể. Chúng ta cần nhìn nhận những khao khát thực sự của bản thân và cảm thấy mình thực sự làm được những gì mình cho là trong tầm với, không ảo tưởng. Để khám phá Chiếc Hộp Mong Muốn, chúng ta đã tìm thấy những khao khát và nỗi sợ hãi đi kèm chúng. Còn đối với Chiếc Hộp Thực Tế, cái chúng ta thấy là một nhóm những niềm tin khác nhau.

Khi nhắc tới mức độ khả thi trong sự nghiệp, bạn thường đối mặt với hai nhóm niềm tin: niềm tin về thế giới bên ngoài và niềm tin về tiềm năng của bản thân bạn. Để một lĩnh vực nghề nghiệp lọt vào Chiếc Hộp Thực Tế thì tiềm năng của bạn trong lĩnh vực đó phải tương đương hoặc cao hơn độ khó để đạt được thành công trong thị trường ngành. Và con người mà, thường thì ai cũng rất dở trong việc so sánh chính xác hai yếu tố này.

Tôi không rõ bạn nghĩ thế vào về độ khó của con đường sự nghiệp bạn đang đi, nhưng sau nhiều trải nghiệm thì tôi thấy người ta thường hay nghĩ thế này:

Có những nghề nghiệp được coi là nghề truyền thống, chẳng hạn như làm y dược, làm luật hoặc giảng dạy... Đây là những nghề mà đứa trẻ nào được hỏi "Sau này lớn lên con muốn làm nghề gì?" thì cũng có đến 80% câu trả lời sẽ phun ra những nghề ấy. Rất dễ đoán, không có gì lạ, là những nghề không có mấy bấp bênh. Nếu bạn đủ thông minh và chăm chỉ, bạn sẽ thành công và có một cuộc sống ổn định với những nghề này.

Và có những nghề nghiệp ít truyền thống hơn, ví dụ như làm nghệ thuật, kinh doanh, làm cho tổ chức phi lợi nhuận, chính trị, vân vân... Theo những nghề này thì chẳng ai đảm bảo được rằng bạn sẽ thành công hay ổn định với nó. Để thăng hoa trong sự nghiệp bạn sẽ phải hoặc thật giỏi hoặc thắng trong những ván cược lớn, giống như chơi xổ số vậy.

Trên đây sẽ là những giả định hợp lý một cách hoàn hảo, nếu như bạn đang sống vào những năm 1950. Niềm tin của bạn về thế giới ngành nghề và những điều kiện để thành công cũng cần phải khai phá triệt để như những khao khát của bạn vậy. Và tôi ngờ rằng sau khi lột bỏ hết đống mặt nạ ra thì bên dưới những gì bạn tưởng bạn có thực chất chỉ là những thứ trí khôn hạn hẹp mà ai cũng giông giống nhau. Sau khi lột bỏ mặt nạ, có khi bạn lại thấy ẩn dưới những niềm tin có đâu đó bóng dáng của các bậc phụ huynh, bạn bè phe cánh của bạn, hay ông giáo đã dạy bạn trong suốt mấy năm đại học. Sau cùng khi bạn cứ tiếp tục lột những chiếc mặt nạ xuống, bạn sẽ thấy ở mình thứ khả năng tầm thường và bị giới hạn. Những quan niệm chung chung, những ý kiến vô thưởng vô phạt, những thống kê sơ sài không nguồn gốc hay trích dẫn, tất cả bạn đều không hiểu bản chất nhưng vẫn được xã hội coi như những "mặt trời chân lý chói qua tim".

Ngày nay, thế giới đang trải qua nhiều đổi thay đến chóng mặt qua mỗi thập kỷ, điều này khiến những thứ hạn hẹp mà bạn biết dần dần trở nên lỗi thời. Thế nhưng bản thân chúng ta luôn bị đóng đinh với những gì đã biết từ một thế giới đã cũ, và ta luôn cư xử như những đầu bếp tầm thường mà cứ tưởng mình là bếp trưởng tài hoa.

Những vấn đề này dần mở rộng cách nhìn của mỗi người về tiềm năng của bản thân họ. Khi bạn quá quan trọng tài năng thiên bẩm trong sự nghiệp hay đánh đồng tài năng và kỹ năng, bạn sẽ thấy mình chẳng có mấy cơ hội khi lựa chọn nghề nghiệp. Thường thì tình trạng này hay thấy ở những nghề nghiệp truyền thống đã kể trên vì ta đã quá quen thuộc với quỹ đạo phát triển của chúng. Một sinh viên y dược năm nhất quan sát một bác sỹ phẫu thuật đầy kinh nghiệm tại bệnh viện lớn sẽ rất quyết tâm: "Nếu cố gắng chăm chỉ 20 năm nữa thì mình cũng sẽ đạt đến trình độ như vậy!". Nhưng một họa sĩ trẻ, một doanh nhân hay một kĩ sư phần mềm mà thấy một bác sỹ lão luyện tay nghề thì sẽ trầm trồ: "Ồ anh ta thật giỏi, không cách nào mình giỏi như anh ta được hết!" và hoàn toàn không hi vọng gì vào khả năng phát triển của mình trong ngành y. Ngoài ra thì còn một góc nhìn khác, đó là những người đã thành công và tiến xa trong những ngành nghề phi truyền thống thì thường đã có nhiều bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của họ, giống như việc trúng xổ số độc đắc vậy. Và khi đã trúng rồi họ sẽ ít muốn mạo hiểm đầu tư vào xổ số thêm một lần nữa.

Trên đây chỉ là một vài quan niệm và góc nhìn mà chúng ta vẫn lầm tưởng về những con đường sự nghiệp lớn lao. Bây giờ thì hãy tìm hiểu xem thực tế đang diễn ra như thế nào nhé:

Bối cảnh ngành nghề

Ban đầu khi nhắc đến vấn đề này, tôi chẳng có tí ý niệm nào cả. Và tôi nghĩ hầu hết chúng ta đều chẳng có. Mọi thứ chỉ đơn giản là thay đổi quá nhanh.

Nhưng đó lại là điểm mấu chốt đấy. Nếu bạn loay hoay để tìm ra được một bức tranh lớn và hợp lý mô tả rõ bối cảnh thị trường ngành nghề ngoài kia, bạn sẽ có lợi thế vô cùng lớn so với những người chỉ sử dụng trí khôn hạn hẹp của họ làm kim chỉ nam.

Đầu tiên, đó là một bối cảnh rất rộng lớn, một tập hợp mọi ngành nghề đang có trong xã hội hiện nay. Bạn biết mô tả công việc hiện tại của tôi đang là gì không? "Tác giả của loạt bài viết 8,000 đến 40,000 từ về đủ thể loại chủ đề khác nhau, minh họa bằng hình vẽ mấy thằng người que lâu lâu lại chửi thề vô tội vạ." Bạn nghĩ có tầm hiểu biết hạn hẹp nào mò ra được công việc dạng như tôi đang làm không? Thị trường ngành nghề hiện nay bao gồm hàng ngàn lựa chọn, có những công việc đã tồn tại cả 40 năm rồi, cũng có nghề vừa mới ra đời được vài tháng nhờ vào một phát kiến công nghệ mới nào đó. Và cách mà thị trường ngành nghề đang vận hành hiện nay đó là bạn có thể tự tạo ra những lựa chọn cho riêng mình nếu nó chưa hiện hữu ngoài kia (tức là khởi nghiệp đấy). Khá căng thẳng, nhưng cũng đầy phấn khích đấy nhỉ?

Tiếp theo, mỗi ngành nghề lại có một con đường phát triển sự nghiệp cụ thể và con đường đó giống như những ván cờ. Trí khôn giới hạn của mỗi người như một kệ sách với những quyển cẩm nang chỉ dẫn từng phần nhỏ của ván cờ đó, và thường những quyển cẩm nang đó lại chỉ bạn chơi theo những luật chơi đã cũ trong khi trò chơi của người ta đã phát triển thêm vô số những quy tắc, cơ hội hay nút thắt mới rồi. Khi bạn xem xét một con đường sự nghiệp ở thời điểm hiện tại, để hình dung chính xác con đường đó trông như thế nào hay những thử thách và cơ hội trên con đường đó ra sao, bạn cần phải nhìn được cả ván cờ sự nghiệp bạn cần chơi là gì. Nếu không, bạn sẽ giống như đang đánh giá một trận bóng đá dựa trên chiều cao và độ to con của cầu thủ trong khi hiện nay mấu chốt của bóng đá là kỹ thuật của cầu thủ và chiến thuật của cả đội.

Điều này có tạo cho bạn thêm chút hy vọng le lói nào không? Hiện nay có hàng tá những ngành nghề hay ho phù hợp với những thế mạnh sẵn có của bạn, trong khi hàng tá người đang cố gắng tiến xa trên con đường sự nghiệp của họ chỉ với những cuốn cẩm nang chỉ dẫn lỗi thời. Nếu bạn chịu khó cập nhật những quy tắc vận hành mới của trò chơi nghề nghiệp, bạn đã có một lợi thế vô cùng lớn so với họ rồi.

Tiềm năng của bạn

Giờ thì chúng ta sẽ nói đến cụ thể những điểm mạnh đặc biệt của bản thân bạn. Chúng ta thường đánh giá sai điểm mạnh của mình do chọn sai ván cờ, thậm chí kể cả khi chọn đúng ván cờ phù hợp rồi ta cũng chẳng biết một ván cờ thường yêu cầu ở người chơi điều gì.

Khi cần đánh giá cơ hội của mình trên một con đường sự nghiệp nhất định, câu hỏi mấu chốt sẽ là:

Nếu có đủ thời gian cho phép, liệu bạn có phát huy hết tiềm năng của mình để đạt tới cái định nghĩa thành công mà bạn vẫn quy ước cho sự nghiệp không?

Tôi sẽ coi như quãng thời gian để đạt tới mức độ thành công mong muốn của bạn là một hành trình. Khoảng cách bắt đầu từ vị trí hiện tại của bạn — điểm A — và kết thúc bằng việc bạn đạt được mức độ thành công mong muốn, ở đó ta đặt một Ngôi Sao.

Chiều dài của hành trình phụ thuộc vào vị trí điểm A (là tình trạng của bạn ở thời điểm hiện tại) và vị trí của Ngôi Sao (tức mức độ thành công mong muốn).

Vì thế nếu bạn là sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành khoa học máy tính và mục tiêu nghề nghiệp của bạn là trở thành kỹ sư tầm trung tại Google, khoảng cách của bạn có thể trông như thế này:

Nhưng nếu bạn thậm chí chưa có bất kỳ kiến thức nền tảng về khoa học máy tính mà mục tiêu nghề nghiệp của bạn lại là trở thành kỹ sư hàng đầu tại Google, bạn sẽ có con đường xa hơn rất nhiều:

Còn nếu mục tiêu của bạn là tạo ra một đế chế mới soán ngôi Google, con đường bạn phải đi sẽ dài thẳng cánh cò bay.

Tại thời điểm này, trí khôn hạn hẹp của chúng ta có thể sẽ trồi lên đâu đó trong bộ não và chỉ ra rằng việc trau dồi tốt ở một kỹ năng nhất định chẳng cam kết đem lại thành công cho bạn. Nhờ những kỹ năng đó bạn vẫn có thể mon men đến gần vị trí của Ngôi Sao trên con đường sự nghiệp nhưng rồi vẫn chưa thỏa mãn và cảm thấy phải làm hơn thế nữa.

Thực ra điều này không đúng mấy, và có vẻ ta đang hiểu sai về định nghĩa Ngôi Sao ở đây. Ngôi Sao không hoàn toàn tượng trưng cho mức độ bạn thành thạo một kỹ năng nào cụ thể nào (chẳng hạn như khả năng code như gió, diễn xuất thần sầu hay kỹ năng lập chiến lược kinh doanh hiệu quả) mà nó là toàn bộ ván cờ chúng ta đang chơi. Trong những ngành nghề truyền thống, luật chơi có xu hướng đơn giản hơn. Nếu bạn muốn trở thành một bác sĩ phẫu thuật hàng đầu, bạn cần có kỹ năng phẫu thuật thật nhuần nhuyễn để đứng ở vị trí Ngôi Sao và làm chủ sự nghiệp của mình. Nhưng những ván cờ nghề nghiệp ít truyền thống thì thường dính líu đến nhiều yếu tố hơn. Nếu Ngôi Sao của bạn được gán nhãn “Trở thành diễn viên nổi tiếng”, việc diễn xuất thần sầu như Morgan Freeman là không ăn thua, bạn phải chơi tốt ván cờ mà hầu hết các ngôi sao điện ảnh đều đã kinh qua kìa. Khả năng diễn xuất chỉ là một nước đi của ván cờ thôi, bạn cần phải có tố chất để trở thành một người nổi tiếng như ngoại hình sáng sân khấu, luôn rạng rỡ và ăn hình trước đám đông, phải đủ khôn ngoan để xây dựng được thương hiệu cá nhân, luôn lạc quan trước scandal, trơ lì trước antifan và dư luận, luôn phải khẩn trương và kiên trì đến mức nực cười v.v… Nếu bạn đủ thành thạo trong ván cờ đó, rành rẽ mọi nước đi của nó thì cơ hội trở thành diễn viên điện ảnh hạng A của bạn là rất cao. Và đạt tới vị trí đó mới là lúc bạn chạm tới Ngôi Sao trong sự nghiệp điện ảnh của mình.

Trí khôn hạn hẹp của ta chẳng thể hiểu luật chơi của những ván cờ ngành nghề phi truyền thống đó. Nó luôn ngây thơ cho rằng thành công = tài năng + chăm chỉ. Khi trí khôn hạn hẹp nhận ra con đường sự nghiệp bạn đang đi là một ván cờ phức tạp với nhiều nước đi rối rắm, nó sẽ giơ tay đầu hàng và trông chờ vào “sự may mắn”. Đối với trí khôn hạn hẹp của chúng ta, việc trở thành một ngôi sao điện ảnh đòi hỏi tài năng diễn xuất như một điều kiện cần, nhưng để có cả điều kiện đủ thì khó như trúng Vietlott vậy.

Vậy thì đâu là cách giúp bạn nhận biết % cơ hội mình có thể chạm tới Ngôi Sao đỉnh cao kia là bao nhiêu? Tất cả đều theo một công thức đơn giản:

Khoảng cách = Tốc độ x Thời gian.

Trong phạm vi của bài này, ta có thể dùng từ ngữ thích hợp hơn là:

Tiến độ = Tốc độ phát triển x Sức bền

Hành trình vượt qua các thách thức nghề nghiệp của bạn như thế nào tùy thuộc vào A) tốc độ nhanh hay chậm khi bạn học hỏi và trải nghiệm trên ván cờ nghề nghiệp đóB) lượng thời gian bạn sẵn sàng tiếp tục theo đuổi Ngôi Sao. Cùng bàn về cả hai điều này xem nhé:

Tốc độ

Điều gì khiến kẻ thì nhanh người thì chậm trong một ván cờ nghề nghiệp? Tôi cho rằng có ba yếu tố sau đây:

  • Tố chất bếp trưởng của bạn. Như chúng ta đã chém gió với nhau ở trên, các bếp trưởng quan sát thế giới với góc nhìn mới mẻ và đưa ra các kết luận dựa trên những gì họ quan sát được và trải nghiệm, còn các đầu bếp thì kết luận dựa trên sao chép và làm theo công thức của người khác. Trong câu chuyện nghề nghiệp, các công thức sao chép này thường gắn liền với trí khôn hạn hẹp của mỗi người. Nghề nghiệp luôn là ván cờ phức tạp mà hầu hết mọi người chơi dở ngang nhau ở thời điểm bắt đầu, nhưng rồi những người có tố chất bếp trưởng sẽ phát triển đi lên nhanh chóng thông qua những vòng lặp liên tục…

...trong khi những người đầu bếp thì tiến lên chậm như rùa bò bởi vì chiến lược của họ là chạy theo một công thức cứng nhắc không thay đổi qua năm tháng. Hơn nữa, trong một thế giới mà ván cờ nghề nghiệp không ngừng phát triển và xoay mình, chiến thuật của bếp trưởng luôn cập nhật và bắt kịp xu hướng. Trong khi đó, công thức nấu ăn mà các đầu bếp áp dụng ngày một lỗi thời và đó là vấn đề mà họ mãi vẫn không nhận ra. Đó là lí do tôi tin rằng đối với những nghề nghiệp phi truyền thông thì tố chất bếp trưởng của bạn là yếu tố quyết định trong việc xác định tốc độ phát triển của bạn.

  • Thái độ làm việc của bạn. Điều này thật hiển nhiên. Một người làm việc 60 giờ một tuần, 50 tuần một năm, sẽ đi con đường nhanh hơn gần bốn lần so với một người làm việc 20 giờ một tuần, 40 tuần một năm. Một người chọn lối sống cân bằng ổn định sẽ di chuyển chậm hơn một người nghiện làm việc hết mình. Một kẻ có xu hướng lười biếng hoặc trì hoãn sẽ đánh mất rất nhiều cơ hội vào tay những người làm việc nhất quán và chú tâm. Một người thường xuyên gián đoạn công việc chỉ để mơ mộng hay lướt điện thoại sẽ làm được ít hơn nhiều so với một người tập trung cao độ.
  • Năng khiếu thiên bẩm của bạn. Tài năng cũng khá quan trọng. Những người được sinh ra để làm một công việc nào đó đương nhiên sẽ phát triển nhanh hơn những người phải luyện tập để giỏi. Nhưng trí thông minh và tài năng chỉ là hai trong những yếu tố của năng khiếu. Sự khôn ngoan và hiểu chuyện cũng rất quan trọng, những phẩm chất đó không phải lúc nào cũng tương quan với trí thông minh đơn thuần. Đối với một vài ngành nghề, kỹ năng xã hội cũng rất quan trọng. Với một vài nghề đặc thù, những ai dễ mến và biết cư xử sẽ có lợi thế lớn hơn, cũng như người thích giao tiếp & kết nối sẽ gây dựng được những mối quan hệ bền chặt hơn người lúc nào cũng ru rú một mình.

Các yếu tố khác như những mối quan hệ, tài nguyên hay các kỹ năng quan trọng bạn đang sở hữu ở hiện tại đương nhiên cũng ảnh hưởng, nhưng chúng không phải là thành phần tạo nên tốc độ phát triển, chúng chỉ là tọa độ để xác định vị trí điểm A của bạn mà thôi.

Sức bền

Khi nhắc đến sức bền, tôi muốn đề cập đến khả năng duy trì làm việc lâu dài (chứ không phải thái độ làm việc ngày nào xong ngày đó). Yếu tố sức bền thì đơn giản hơn tốc độ phát triển. Chừng nào bạn còn quyết tâm theo đuổi Ngôi Sao thì con đường bạn phải đi sẽ ngày một ngắn lại. Một chiếc xe chạy với tốc độ 30km/h nhưng chạy được 15 phút đã nghỉ đương nhiên chẳng thể đi xa bằng một chiếc khác chỉ đạt tốc độ 10km/h thôi nhưng chạy bền bỉ suốt hai tiếng.

Đó là lí do tại sao sức bền là rất quan trọng. Nếu một người cho rằng họ chỉ bỏ ra ba năm để tìm cách bước đến đỉnh cao sự nghiệp và nếu không đạt được họ sẽ rẽ sang một hướng dự phòng khác thì cơ bản đỉnh cao đó mãi mãi chỉ là cơn mơ. Chẳng cần biết bạn giỏi giang đến đâu nhưng một khi bạn bỏ cuộc chỉ sau hai, ba năm khó khăn thì bạn sẽ có rất ít cơ hội thành công. Một vài năm là quá ngắn để vượt qua chặng đường dài cần đi nhằm chạm tới Ngôi Sao thành công, bất kể tốc độ phát triển của bạn có nhanh thần sầu đến mức nào.

Điểm mạnh và Điểm yếu của bạn

Sau khi đã nằm lòng phương trình với các biến tốc độ, thời gian và sự bền bỉ, ta cùng ngắm lại khái niệm về điểm mạnh và điểm yếu. Nhiều khi người ta cứ nói liệt kê điểm mạnh điểm yếu ra là sáo rỗng, không phải vậy, chỉ là chúng ta đều nhìn nó với góc nhìn sai lầm thôi. Khi liệt kê các điểm mạnh của bản thân, ta có xu hướng liệt kê các kỹ năng quá nhiều. Thay vào đó, điểm mạnh chỉ nên tập trung khai thác những tố chất trong tốc độ phát triển và sức bền của bạn. Bạn nên đánh giá trung thực nhất những tính cách của bản thân, chẳng hạn nếu bạn nhanh nhẹn và khiêm tốn (đặc điểm một người bếp trưởng) thì đó là điểm mạnh, nhưng cũng có những tính xấu như cứng đầu hoặc lười suy nghĩ (đặc điểm của một đầu bếp đơn thuần) thì lại là điểm yếu dễ thấy. Trong khi làm việc, bạn có khả năng tập trung cao độ để hoàn thành hay là người luôn trì hoãn deadline? Những phẩm chất như ham học hỏi, dễ mến cũng nên được đưa vào. Còn những phẩm chất liên quan đến sức bền thì sao? Khả năng rút kinh nghiệm sau mỗi thất bại, sự quyết tâm và tính kiên nhẫn là những điểm mạnh bạn cần phát huy.

Quan trọng nhất, bạn không nên chỉ liệt kê những điểm mạnh và điểm yếu bản thân ra rồi để đó, mà cần phải xem xét khả năng cải thiện hay phát huy chúng. Nếu bạn chuyền cho Michael Jordan ở tuổi 25 một quả bóng rổ, anh ấy sẽ chơi rất dở. Nhưng nếu nói bóng rổ là "điểm yếu" của anh ấy thì lại không đúng. Thay vào đó, bạn cần xem anh ấy luyện tập trong sáu tuần tiếp theo ra sao và đánh giá dựa trên của sự tiến bộ của anh ấy. Điều này được áp dụng cho một số kỹ năng cụ thể đồng thời hầu hết các yếu tố đánh giá về tốc độ phát triển và sức bền cũng có thể được cải thiện nếu bạn chịu khó.

Xác định Chiếc Hộp Thực Tế

Để nghĩ cho gọn thì Chiếc Hộp Thực Tế sẽ bao gồm tất cả các con đường sự nghiệp mà bạn cho rằng mình có khả năng và có thể dành toàn bộ thời gian cũng như nỗ lực để theo đuổi nhằm chạm tới Ngôi Sao thành công mong đợi. Đây sẽ là một danh sách vô cùng dài, ta chỉ loại đi vài con đường quá xa vời mà dù có chạy vắt chân lên cổ thì cũng mất cả đời bạn mới chạm tới thành công (giống như việc tôi ao ước trở thành một vận động viên Olympic vậy). Tuy vậy thì dành ra một phút nhìn nhận những con đường đó đôi khi cũng có ích, nó giúp chúng ta hình dung được cả cuộc đời mình sẽ có bao nhiêu cánh cửa để ngỏ, từ đó sẽ dẫn tư duy đi đúng hướng (hoặc sẽ khiến ta phát khùng và hoảng loạn luôn).

Giờ thì hãy bắt đầu lắng lo về mục tiêu lọc lựa những con đường sự nghiệp nào nằm trong Chiếc Hộp Thực Tế sẽ rớt vào Bể Lựa Chọn (tức là cái phần chung chạ giữa Chiếc Hộp Mong Muốn và Chiếc Hộp Thực Tế trong sơ đồ Venn đã nói ở trên đấy mà). Trước khi thực hiện công việc khó khăn này, ta phải hoàn thành Chiếc Hộp Thực Tế đã, nhìn chung chúng ta cần đánh giá một số yếu tố sau:

1) Đánh giá bối cảnh chung.

Hãy cố gắng mở rộng tầm nhìn của bạn để đánh giá bối cảnh ngành nghề rộng lớn trên thế giới với vô vàn các con đường sự nghiệp đã có (hoặc có thể xây mới).

2) Đánh giá ván cờ cụ thể.

Đối với bất kỳ ngành nghề nào nghe có vẻ thú vị, hãy suy nghĩ xem ta có thể tiến xa đến đâu trên ván cờ đó, những người nào đang cùng chơi trên ván cờ này, những người khác đã thắng ván cờ bằng cách nào, những quy tắc mới nhất của luật chơi, và những nút thắt mới được khai mở, v.v...

3) Xác định điểm xuất phát.

Với từng con đường, hãy xem vị trí xuất phát của bạn có thể đặt ở đâu dựa trên các kỹ năng, tài nguyên và các mối quan hệ hiện tại bạn có trong lĩnh vực ngành nghề đó.

4) Xác định điểm thành công.

Hãy nghĩ về điểm kết thúc và vị trí của Ngôi Sao trên mỗi con đường. Bạn cần tự hỏi mình mức độ thành công tối thiểu bạn cần đạt được là gì để cảm thấy hạnh phúc khi chọn con đường sự nghiệp đó.

5) Đánh giá tốc độ phát triển.

Ước lượng tốc độ phát triển của bạn trên từng ván cờ dựa trên các điểm mạnh hiện có và khả năng phát huy nó (nói cách khác là đánh giá khả năng tăng tốc của bạn).

6) Đánh giá sức bền.

Đánh giá lượng thời gian bạn sẵn sàng bỏ ra để theo đuổi con đường sự nghiệp đó.

Giờ thì chỉ cần làm những phép toán đơn giản thôi. Hãy lấy các ván cờ ra, kẻ một đường thẳng tượng trưng cho con đường sự nghiệp đó, vẽ điểm xuất phát cùng những Ngôi Sao thành công để tạo ra một hành trình. Với mỗi hành trình, bạn nhân tốc độ phát triển của bạn với sức bền. Nếu như kết quả của phép toán đó là một con số ngang bằng với chiều dài con đường sự nghiệp đã vẽ thì bạn có thể bỏ nó vào Chiếc Hộp Thực Tế của mình. Tất nhiên là thật khó để xác định giá trị chính xác cho bất kỳ yếu tố nào ở trên nhưng ít nhất bạn phải hình dung và vẽ ra được phương trình cụ thể cho nó.

Việc bắt đầu những bước tiến đầu tiên để xác định Chiếc Hộp Thực Tế có thể khiến một số người đang mơ mộng trên cung trăng rớt trở về mặt đất, nhưng thiết nghĩ việc làm này sẽ giúp họ nhận ra họ có nhiều lựa chọn hơn họ tưởng, từ đó những đường đi nước bước sẽ rõ ràng hơn trước.

Một Chiếc Hộp Thực Tế hoàn hảo sẽ giúp bạn nhìn nhận lại cả những khao khát đang tồn tại trong Chiếc Hộp Mong Muốn. Hình dung một loạt các con đường sự nghiệp trong đầu sẽ ảnh hưởng đến mức độ khao khát của bạn đối với chúng. Một con đường bắt đầu trở nên bớt hấp dẫn sau khi bạn hình dung được rằng mình cần bỏ ra hàng nghìn giờ để xây dựng các mối quan hệ hoặc mất vài thập kỷ lên voi xuống chó trước khi chạm tới thành công. Một con đường khác thì mất hẳn sự hào nhoáng sau khi bạn hiểu được vai trò của yếu tố may mắn khi đi trên con đường đó là rất rất quan trọng. Và cũng có những con đường sự nghiệp khác chưa từng được xét tới vì bạn không coi chúng là những lựa chọn phù hợp nhưng thực ra lại là một cánh cửa ngỏ có thể mở ra và bước vào.

Đến đây thì chúng ta đã xong được hai quá trình đào sâu và tốn vô cùng nhiều năng lượng của não bộ. Giờ thì hãy quay về với sơ đồ Venn nào.

Vậy là mọi thứ đã thay đổi, bạn có một Bể Lựa Chọn mới để xem xét, một danh sách các lựa chọn mới được đặt lên bàn để cân đo đong đếm và có vẻ chúng thỏa mãn cả mức độ ưu tiên cao lẫn khả năng đạt được thành công của bạn. Với những lựa chọn đã dàn ra trước mặt, ta đã có thể ngừng quá trình đánh giá và hướng góc nhìn về tương lai rồi.

Nguồn noron.vn